Năm 2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn thông điệp “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5.
Cùng một số thông điệp về thuốc lá điện tử được Tổ chức Y tế thế giới tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, các thanh thiếu niên và cha mẹ có con ở độ tuổi thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng như: TLĐT chứa các chất độc hại có nguy cơ gây ung thư; Thuốc lá nung nóng chứa các hóa chất độc hại tương tự như khói thuốc lá thông thường,…
Thời gian gần đây, không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT), đây đang được xem là vấn đề rất đáng lo ngại. Một trong các yếu tố làm gia tăng sử dụng TLĐT trong thanh thiếu niên là do các em hiểu chưa đúng về tác hại của nó. Cho rằng TLĐT là sản phẩm ít hại hơn so với các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường và là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, đây là các thông tin hoàn toàn sai sự thật.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không phải là sản phẩm ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường. TLĐT không giúp cai nghiện thuốc lá vì hầu hết các sản phẩm này vẫn có chứa nicotine. Hầu hết người sử dụng TLĐT để cai thuốc lá đều không bỏ được thuốc lá, thay vào đó họ tiếp tục sử dụng đồng thời cả TLĐT và thuốc lá điếu truyền thống.
TLĐT chứa thành phần nicotine – là chất gây nghiện mạnh và rất nhiều hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người. Ở lứa tuổi thanh thiếu niên khi hút TLĐT sẽ dẫn đến tình trạng nghiện thuốc lá, gặp phải các căn bệnh nguy hiểm, gây nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và tương lai sau này.
Nicotine làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, các cơn đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng và các vấn đề sức khỏe khác. Đặc biệt còn gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, làm suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện.
Ngoài ra, TLĐT và kể cả một số loại thuốc lá mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau, nên có thể bị lợi dụng để sử dụng buôn bán và sử dụng ma túy.
Để phòng, chống tác hại của TLĐT đối với thanh thiếu niên, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong việc tuyên truyền cho trẻ biết về các tác hại của TLĐT. Giáo dục trẻ tuân thủ pháp luật, nội quy của nhà trường về việc nghiêm cấm mua bán, sử dụng các sản phẩm thuốc lá đối với học sinh.
Rèn luyện các kỹ năng sống cho trẻ như kỹ năng chăm sóc sức khỏe, tránh xa những chất độc hại, không có lợi cho sức khỏe; kỹ năng từ chối trước những cám dỗ; kỹ năng chia sẻ;.... Bên cạnh đó, tạo các sân chơi lành mạnh và khuyến khích trẻ tham gia như các câu lạc bộ thể thao, âm nhạc,…
Đồng hành bên con trẻ chính là việc vô cùng cần thiết phải làm của các bậc phụ huynh. Cần chú ý quan sát những biểu hiện của trẻ để có biện pháp quan tâm, chia sẻ, can thiệp kịp thời.
@ CDC BÌNH THUẬN