Theo Tổ chức Y tế thế giới, lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ dàng lây lan trong cộng đồng nếu người bệnh không được chữa trị đúng cách. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hàng năm và gần 1,5 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu. Ngày 24/3 hàng năm được lấy làm ngày Thế giới phòng chống là dịp nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với bệnh lao, góp phần nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.
Việt Nam là quốc gia thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 174.000 bệnh nhân lao và nếu không được chữa trị, mỗi người mắc lao sẽ lây nhiễm cho trung bình từ 10 - 15 người khác. Trong chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2030, Việt Nam đặt ra mục tiêu không còn bệnh lao, hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng; phấn đấu đến năm 2030 chỉ còn dưới 20/100.000 người dân mắc lao.
Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2025 “Việt Nam cam kết đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao”, thể hiện quyết tâm cao của Việt Nam trong đầu tư nguồn lực bền vững và hành động hiệu quả nhằm hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao.
Tại Bình Thuận, những năm qua tỉnh đã triển khai đồng bộ các can thiệp phòng, chống lao và đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình chống lao quốc gia. Mạng lưới phòng, chống lao luôn được duy trì, củng cố từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và xã, phường, thị trấn. Đồng thời, triển khai đến các trại giam và cơ sở cai nghiện ma túy, để mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ phòng chống lao. Công tác tuyên truyền về bệnh lao và cách phòng chống tiếp tục được đẩy mạnh, giúp người dân hiểu, không mặc cảm kỳ thị với bệnh lao, chủ động tiếp cận sử dụng dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị, dự phòng bệnh lao.
Ghi nhận trong năm 2024, số bệnh nhân mắc lao được phát hiện mới của tỉnh Bình Thuận là 186 bệnh nhân (giảm 9,72% so với năm 2023). Trường hợp bệnh nhân bị lao kháng thuốc tăng 19 bệnh nhân (tăng 47,50% so với năm 2023).
Khi có các dấu hiệu, như: ho kéo dài liên tục hơn hai tuần, sốt nhẹ kéo dài, người mệt mỏi, ăn uống kém, sút cân không rõ nguyên nhân, ra mồ hôi vào ban đêm và có biểu hiện sốt nhẹ về chiều... cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách.