Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình bệnh sởi, ho gà tại một số tỉnh, thành phố có diễn biến phức tạp. Do đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế các ngành lập kế hoạch phòng, chống sởi, ho gà và triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống sởi, ho gà trên địa bàn tỉnh, bao gồm cả hoạt động tiêm chủng…
Tại Bình Thuận, 06 tháng đầu năm 2024 mới ghi nhận 01 ca nghi sởi và 01 ca mắc ho gà, so với cùng kỳ năm 2023 (không có ca nào). Tuy nhiên phòng bệnh vẫn là biện pháp hiệu quả nhất.
Để phòng tránh bệnh sởi, ho gà hay những bệnh hô hấp có nguy cơ bùng phát, điều quan trọng nhất vẫn là cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.
Lịch tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà cho trẻ em trong tiêm chủng mở rộng.
Đưa bé đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi sớm nhất. Mũi đầu khi bé 12-15 tháng và mũi thứ hai khi bé từ 4-6 tuổi. Tuy nhiên có thể tiêm liều thứ 2 sớm hơn nhưng cách liều 1 ít nhất bốn tuần. Lý do cần thiết phải tiêm liều thứ 2 là do có khoảng 2-5% số bé được tiêm sẽ không tạo ra kháng thể chống sởi sau liều đầu. Liều 2 để giúp những bé này tăng kháng thể chống sởi.
Khi bé chưa tới tuổi được tiêm vacxin, cho bé sử dụng sữa mẹ càng nhiều càng tốt. Trong sữa mẹ có kháng thể chống bệnh sởi. Tuy kháng thể này là kháng thể thụ động, không mạnh như kháng thể tạo ra khi bé được tiêm vacxin nhưng nếu được bú sữa mẹ liên tục, lượng kháng thể này cũng có thể giúp bé chống lại bệnh sởi hoặc làm nhẹ bệnh nếu bị mắc phải.
Vệ sinh thường xuyên cho các bé, nhất là vệ sinh răng miệng, đường hô hấp, giữ cho các bé luôn sạch sẽ, tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh sởi.
Tăng cường bổ sung vitamin, rau quả xanh tăng sức đề kháng cho trẻ.
Khi nghi ngờ những biểu hiện trẻ mắc bệnh sởi phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán và điều trị. Phần lớn những trường hợp bé bị nặng có thể dẫn tới tử vong là do mẹ chậm mang bé tới bệnh viện.
Để hạn chế được những biến chứng vô cùng nguy hiểm của căn bệnh sởi và bệnh ho gà, cha mẹ nên đưa con em mình đi khám ngay khi có dấu hiệu của bệnh.
@HỒ HƯNG