Theo khảo sát của Hội Thấp khớp học Việt Nam, có khoảng 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 tuổi và 85% người trên 80 tuổi bị thoái hóa khớp. Đáng chú ý, xu hướng trẻ hóa bệnh lý xương khớp đang trở thành mối đe dọa về sức khỏe cộng đồng.
Các bệnh lý về cơ xương khớp tuy không nguy hiểm như một số bệnh lý cấp tính nhưng có thể để lại nhiều di chứng, bào mòn sức khỏe và tinh thần người bệnh. Bệnh xương khớp nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng hướng có thể tiến triển nặng, gây ra nhiều hậu quả nặng nề người bệnh, gây đau đớn, tăng nguy cơ gẫy xương, mất khả năng vận động, yếu cơ – té ngã, giảm chất lượng sống, giảm khả năng tự chủ…
Vì vậy, dinh dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe hệ xương khớp. Cùng với vận động thường xuyên, việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp hệ xương khớp khỏe mạnh, vững chắc, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh lý xương khớp, nhất là với những người lớn tuổi.
Do đó, để hệ xương khớp khỏe mạnh nên bổ sung canxi đầy đủ theo nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Trong đó, sữa và chế phẩm từ sữa được coi là nguồn thực phẩm cung cấp nhu cầu canxi chủ yếu cho con người. Trung bình một ly sữa 250ml cung cấp 300mg canxi, đáp ứng khoảng 25% nhu cầu canxi hàng ngày của cơ thể. Bên cạnh đó, các thực phẩm giàu canxi khác như tôm, cua, ốc, cá, trứng, các loại hạt …cũng cần được sử dụng thường xuyên trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Cùng với sữa, các loại rau xanh chứa nhiều vitamin, khoáng chất dồi dào như vitamin B, C, E, beta-carotene, kali, magie.. giúp tăng sản xuất tế bào hình thành xương, đồng thời chống lại bệnh loãng xương cũng như bệnh lý xương khớp khác. Bên cạnh đó, các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, các loại đậu tăng cường khả năng duy trì khối lượng và chất lượng của xương và cơ. Các loại thực phẩm giàu canxi, vitamin D như cá béo, gan, pho mát, lòng đỏ trứng cũng là lựa chọn bổ sung cần thiết, góp phần phát triển hệ xương khỏe mạnh, dẻo dai và giảm triệu chứng đau nhức.
Tuy nhiên, các bác sỹ cũng lưu ý cần hạn chế các thực phẩm nhiều đường và các chất béo xấu như nước ngọt, rượu bia, cà phê, thức ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ… Đây chính là yếu tố gây ra thừa cân – béo phì, làm tăng áp lực cho xương và khiến xương dễ bị gãy hơn.
Các bệnh lý xương khớp phổ biến có thể kể đến như: loãng xương, thoái hóa khớp (gồm thoái hóa cột sống, thoái hóa đĩa đệm, thoái hoá các khớp ngoại biên…), viêm khớp dạng thấp, gout… Hậu quả nặng nề nhất mà các bệnh lý xương khớp gây ra là tàn phế suốt đời, ảnh hưởng đến chất lượng sống và khả năng tự chủ của người bệnh.
Do đó, để phòng tránh các bệnh lý về xương khớp, nhất là những người lớn tuổi. Cần tăng cường chế độ dinh dưỡng hợp lý và khám sức khỏe định kỳ, tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sỹ để chăm sóc sức khỏe tốt và bảo vệ xương khớp được ổn định, khỏe mạnh, hạn chế thấp nhất các biến chứng do bệnh xương khớp gây nên.