Bệnh tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng ba lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày, với các triệu chứng kèm theo là nôn, mất nước, rối loạn điện giải, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh xuất phát từ nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau, nếu không được khắc phục sớm sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đe dọa sức khỏe. Vậy nên việc phòng ngừa, phát hiện để điều trị kịp thời là thực sự cần thiết.
Tại Bình Thuận, 5 tháng đầu năm 2024 số mắc tiêu chảy 2.702 ca, giảm 90 ca so với cùng kì năm 2023 (2.792 ca).
Hầu hết trường hợp tiêu chảy ở mức độ nhẹ tự khỏi trong thời gian ngắn mà không cần can thiệp điều trị bằng thuốc. Nhưng nếu tình trạng kéo dài nhiều ngày với mức độ nặng hơn hoặc xuất hiện nhiều triệu chứng đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và hướng dẫn.
Khi bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy, lượng nước trong cơ thể mất đi rất nhiều. Vì vậy, biện pháp đầu tiên là phải bù nước và điện giải. Tốt nhất là dung dịch oresol và sau đó đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế khám và điều trị. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy.
Tiêu chảy dễ lây lan, biến chứng nguy hiểm, nhưng bệnh tiêu chảy hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng một số biện pháp:
Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn thực phẩm ôi thiu, quá hạn sử dụng. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Bảo đảm an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch.
Đối với bệnh tiêu chảy do rotavirus, tiêm phòng là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa. Rotavirus có tính chất lây lan rất cao, trẻ em dưới 05 tuổi là đối tượng có nguy cơ nhiễm rotavirus cao nhất.
@ THY THY