Hiện nay tình hình bệnh sởi ở các tỉnh phía Nam đang có diễn biến phức tạp. Tại Bình Thuận số ca nghi sởi trong 7 tháng đầu năm 2024 là 35 ca, tăng 33 ca so với cùng kì năm 2023.
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do hít phải hoặc tiếp xúc trực tiếp các dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện…
Bệnh sởi có triệu chứng như phát ban toàn thân từ sau tai, sau gáy lan dần lên trán, mặt, cổ, sau đó lan xuống khắp thân mình và cuối cùng là tứ chi. Kèm theo đó là các triệu chứng khác như sốt cao (39 - 40 độ C), ho khan, viêm đường hô hấp trên, đỏ mắt, viêm kết mạc, cảm giác khó chịu khi tiếp xúc với ánh sáng và một số trường hợp xuất hiện tình trạng viêm thanh quản cấp.
Bệnh sởi có thể gây ra nhiều bệnh kèm theo như viêm nhiễm hệ thống thần kinh, gây rối loạn hệ cơ, hệ vận động và nhiều hệ cơ quan quan trọng khác trên khắp cơ thể. Những tổn thương đa cơ quan này có thể để lại nhiều di chứng kéo dài, thậm chí vĩnh viễn cho người bệnh, trong trường hợp bệnh diễn biến xấu, sởi có thể gây tử vong, đặc biệt phổ biến ở nhóm trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi.
Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Trẻ em cần được tiêm 02 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.
Cùng với tiêm vắc xin, cần lưu ý vệ sinh cá nhân và môi trường sống thật sạch sẽ: Luôn rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh mũi, họng với nước muối sinh lý. Đến những nơi đông người nên đeo khẩu trang để tránh nguy cơ bị lây nhiễm. Không tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh hoặc có dấu hiệu bị sởi.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh nên tới cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.