Từ đầu năm 2024 đến nay, nước ta ghi nhận 5 ca mắc bạch hầu tại Hà Giang (3 ca); Nghệ An (1ca, bệnh nhân đã tử vong trong tháng 6/2024) và Bắc Giang (1ca).
Tại Bình Thuận, chưa phát hiện bệnh này. Tuy nhiên, phòng bệnh vẫn không thừa. Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu trắng xám, dày ở họng và amidan (y học gọi là “giả mạc”). Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm: Sốt, ớn lạnh, sưng đau các tuyến ở cổ, họng, ho, da xanh tái, chảy nước dãi, mất tiếng, khàn giọng, …
Bệnh bạch hầu thường bắt đầu như một đợt cảm lạnh thông thường, viêm họng, viêm amidan hay viêm thanh quản,… Bệnh rất dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết (nước dãi, nhầy mũi, …) của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Kể cả khi người bệnh không biểu hiện triệu chứng của bệnh thì họ vẫn có khả năng lây truyền vi khuẩn cho người khác sau khoảng 6 tuần, kể từ khi bắt đầu nhiễm khuẩn.
Người mắc bệnh bạch hầu thường có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Độc tố bạch hầu gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong trong vòng 6 ngày. Tỉ lệ tử vong khoảng 5-10%. Tỉ lệ tử vong có thể cao hơn với trẻ em dưới 15 tuổi.
Hiện nay, bệnh bạch hầu có vaccine phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Bệnh bạch hầu đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh và thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu theo lịch tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch;
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh;
Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời;
Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng, tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Người lớn chưa được tiêm hoặc không có miễn dịch cần được tiêm nhắc lại 1 mũi.
Vì vậy, khi xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, tốt nhất người dân nên đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
@HỒ HƯNG