Đây là chủ đề của Ngày Hen toàn cầu năm nay (07/5)
Hen phế quản là một trong những bệnh mãn tính không lây nhiễm phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hơn 260 triệu người và gây ra hơn 450.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới, hầu hết trong số đó đều có thể phòng ngừa được.
Tại Việt Nam, bệnh hen phế quản ảnh hưởng đến khoảng 3,9% dân số, tương đương 4 triệu người mắc bệnh.
Triệu chứng điển hình của bệnh hen phế quản là thở khò khè, khó thở, nặng ngực và ho, thường gọi là cơn hen. Các triệu chứng này thường xuất hiện về đêm, tái phát nhiều lần nhất là khi tiếp xúc với các tác nhân kích thích.
Để bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh hen phế quản tái phát lúc giao mùa, người mắc bệnh hen phế quản cần lưu ý những điều sau đây:
Tuân thủ điều trị: hen phế quản là bệnh cần theo dõi và điều trị thường xuyên. Tuân thủ điều trị giúp kiểm soát tốt triệu chứng hen và duy trì khả năng hoạt động bình thường, hạn chế cơn hen cấp. Do đó, người bệnh cần dùng thuốc đều đặn, đúng giờ, đúng liều đã được bác sĩ chỉ định và tái khám đúng hẹn.
Tiêm vắc xin cúm hàng năm và tiêm vắc xin phế cầu giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, phòng chống nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp.
Rửa tay thường xuyên, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Khi đi ra ngoài đường hay tới nơi tập trung đông người nên đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh cúm.
Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, bao gồm cả chăn, ga, gối đệm và quần áo thường xuyên nhằm loại bỏ các tác nhân kích thích cơn hen như bụi nhà, nấm mốc,…
Ngoài ra, cần thường xuyên luyện tập thể lực bằng các bài tập phù hợp với sức khỏe; thực hành chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường các loại rau củ quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất; uống đủ nước,… để giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, góp phần đáng kể vào việc ngăn ngừa sự khởi phát của cơn hen.
@ THANH THANH