Thuốc tiêm ARV tác dụng kéo dài có chứa cabotegravir kết hợp rilpivirine (CAB/RPV) để điều trị HIV. Đây là sáng kiến gần đây nhất trong điều trị HIV và là một trong những công cụ quan trọng giúp người dùng vượt qua những thách thức trong việc uống thuốc hàng ngày và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thuốc ARV tiêm tác dụng kéo dài (LA-ARV) là một phác đồ ARV điều trị HIV được dùng mỗi tháng một lần hoặc hai tháng một lần thay cho việc thuốc uống hằng ngày. Hiện thuốc tiêm ARV tác dụng kéo dài chưa có ở Việt Nam. Phác đồ ART tiêm tác dụng kéo dài đầu tiên gần đây đã được phê duyệt sử dụng ở một số quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ vào năm 2021 nhưng hiện chưa được phê duyệt để sử dụng hoặc sẵn có tại Việt Nam.
Thành phần thuốc tiêm ARV tác dụng kéo dài gồm thuốc rilpivirine và cabotegravir. Phác đồ có thể được viết tắt là "LA- CAB/RPV". Rilpivirine (RVP) là thuốc điều trị HIV cùng nhóm với nevirapine (NVP) và efavirenz (EFV) và đã được sử dụng để điều trị HIV từ năm 2011. Cabotegravir (CAB) là thuốc điều trị HIV cùng nhóm với dolutegravir (DTG) và đã được sử dụng để điều trị HIV từ năm 2021.
Thuốc tiêm ARV tác dụng kéo dài có một số lợi ích tiềm năng của LA-CAB/RPV so với ART uống hằng ngày. Nhu cầu dùng thuốc ít thường xuyên hơn có thể giúp cải thiện tuân thủ điều trị đối với một số bệnh nhân và có thể cải thiện chất lượng sống cho những người mệt mỏi vì uống thuốc mỗi ngày.
Ngoài ra, bệnh nhân điều trị ARV qua đường tiêm có thể bớt lo sợ về việc vô tình tiết lộ tình trạng nhiễm HIV của mình và do đó phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội.
Thuốc tiêm ARV tác dụng kéo dài được sử dụng cho những người hiện đang điều trị ARV uống hằng ngày ổn định và có tải lượng virus HIV không phát hiện được. Phác đồ điều trị ARV có tác dụng kéo dài hiện có bao gồm 2 mũi tiêm, mỗi mũi tiêm mỗi bên mông. Mỗi mũi tiêm chứa 1 trong 2 loại thuốc trong phác đồ.
Thuốc ARV tác dụng kéo dài đã được thử nghiệm qua các nghiên cứu lâm sàng. Phác đồ này đã được thử nghiệm trong 3 nghiên cứu lâm sàng, bao gồm hơn 2.000 người lớn có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện đã chuyển sang điều trị ARV tác dụng kéo dài hoặc tiếp tục điều trị ARV đường uống hằng ngày.
Kết quả cho thấy rằng thuốc tiêm ART có tác dụng kéo dài giúp mọi người không bị phát hiện dùng thuốc như thuốc viên. Khoảng 9 trong số 10 người vẫn duy trì tải lượng virus dưới ngưỡng, cho dù họ uống thuốc hằng ngày hay dùng thuốc tiêm ARV tác dụng kéo dài.
Các tác dụng phụ thường gặp nhất là phản ứng tại chỗ tiêm, sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ hoặc xương, buồn nôn, khó ngủ, chóng mặt và phát ban. Các phản ứng tại chỗ tiêm bao gồm đau, khối hoặc cục cứng, sưng, đỏ, ngứa, bầm tím và nóng tại chỗ tiêm. Điều quan trọng cần lưu ý là cảm giác khó chịu do tiêm thuốc hiếm khi dẫn đến việc bệnh nhân ngừng thuốc.
Điều quan trọng là bệnh nhân phải luôn nói với bác sĩ của họ về tất cả các loại thuốc họ dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, vitamin và các thực phẩm bổ sung chức năng từ thảo dược. Một số loại thuốc có thể tương tác với ART tác dụng kéo dài. Bệnh nhân không nên dùng ART tác dụng kéo dài nếu họ đang dùng carbamazepine, oxcarbazepine, phenobarbital, phenytoin, rifabutin, rifampin, rifapentine, dexamethasone (nhiều hơn một liều điều trị) và St. John's wort (Hypericum perforatum).
Hiện vẫn chưa biết liệu ARV tác dụng kéo dài có thể được sử dụng trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú hay không. Bệnh nhân nữ nên thông báo cho bác sĩ biết nếu đang mang thai hoặc dự định có thai.
Liệu pháp điều trị này có thời gian linh hoạt – từ trước 7 ngày cho đến sau 7 ngày tiêm dự kiến của liều tiếp theo. Nếu một người bỏ lỡ một liều điều trị quá 7 ngày theo lịch dự kiến thì cần liên hệ ngay với bác sĩ để thảo luận về các phương pháp điều trị. Và khi đó, người bệnh có thể chuyển đổi sang uống ARV dạng viên nếu muốn.
Nhằm tìm hiểu khả năng chấp nhận cũng như những lợi ích và thách thức tiềm ẩn của việc đưa thuốc kháng virut tác dụng kéo dài vào điều trị và dự phòng HIV tại Việt Nam, ngành y tế Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam; Bs. Tổ chức Hợp tác phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) thực hiện nghiên cứu ở 4 tỉnh/thành phố bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM và Bình Dương.
Nghiên cứu đã phỏng vấn 506 người lớn nhiễm HIV đang điều trị ARV và 495 người đại diện các nhóm nguy cơ cao có HIV âm tính, một nửa trong số họ (222 người) hiện đang sử dụng PrEP để dự phòng HIV. Nghiên cứu cũng thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu với 27 đại diện nhân viên y tế và các nhà hoạch định chính sách ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp cơ sở. Dữ liệu được thu thập vào tháng 7-8 năm 2022.
Các thuốc kháng virus tác dụng kéo dài có tác dụng quan trọng giúp người dùng vượt qua những khó khăn khi phải uống thuốc hàng ngày và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nghiên cứu thu thập quan điểm, ý kiến của người dùng và nhân viên y tế đối với tính khả thi và chấp nhận thuốc kháng virut tác dụng kéo dài, từ đó giúp chúng ta hiểu được vai trò của thuốc mới trong dự phòng và điều trị HIV tại Việt Nam.
Bs. Todd Pollack, Trưởng đại diện của HAIVN cho biết: 96% người nhiễm HIV chắc chắn hoặc có thể sẽ sử dụng thuốc ARV tiêm tác dụng kéo dài nếu thuốc sẵn có và 85% ưu tiên thuốc tiêm hơn thuốc ARV uống nếu được lựa chọn; 92% nhóm MSM và người chuyển giới nữ chắc chắn hoặc có thể sẽ dùng thuốc PrEP tiêm tác dụng kéo dài nếu thuốc sẵn có và 81% ưu tiên thuốc tiêm hơn thuốc PrEP uống nếu được lựa chọn…Với vòng âm đạo PrEP, 53% phụ nữ bán dâm chắc chắn hoặc có thể sẽ dùng vòng âm đạo PrEP tác dụng kéo dài nếu vòng sẵn có và 37% ưu tiên dùng vòng âm đạo so với thuốc PrEP uống nếu được lựa chọn.
Ts. Minesh Shah, Cố vấn trưởng về y tế, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, những loại thuốc ARV mới mở ra thêm các lựa chọn mới trong dự phòng và điều trị HIV cho người nhiễm HIV và các nhóm nguy cơ gặp khó khăn khi sử dụng thuốc uống. Qua đó giúp thúc đẩy sự bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ y tế của các nhóm đối tượng đích, đồng thời góp phần quan trọng đối với cán bộ y tế Việt Nam trong quá trình cập nhật các hướng dẫn quốc gia về HIV khi đưa những tiến bộ mới nhất trong y học về HIV, hỗ trợ việc vận động đưa thuốc ARV mới có tác dụng kéo dài vào sử dụng tại Việt Nam như là các lựa chọn trong điều trị và dự phòng HIV lấy con người làm trung tâm. Đặc biệt, trong tương lai, loại thuốc mới có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Thùy Chi